Xã Tiên Mỹ nằm ở phía đông bắc của huyện Tiên Phước, cách trung tâm huyện 4 km. Phía bắc giáp với xã Tiên Cẩm, phía nam và đông nam giáp xã Tiên Thọ, phía đông và đông bắc giáp xã Tiên Phong, phía tây và tây nam giáp thị trấn Tiên Kỳ, phía tây và tây bắc giáp xã Tiên Châu.
Tiên Mỹ ngày nay có diện tích tự nhiên là 1.985,72 hécta. Địa hình khá phức tạp, cao ở phía bắc thấp dần về phía nam, núi cao, gò đồi xen lẫn với thung lũng, làng mạc, ruộng đồng. Nhìn chung địa hình có hai dạng chính: dạng núi cao nằm ở phía bắc chiếm khoảng 1/4 diện tích tự nhiên, có hai đỉnh núi cao là đỉnh Chảm Bồ Cao cao 310m và núi Vú cao 488m so với mực nước biển.
Đất đai ở Tiên Mỹ có nhiều loại, trong đó chiếm nhiều nhất là đất Pherralít. Đất Pherralít tập trung ở vùng đồi núi cao, có giá trị trồng cây lâu năm, cây ăn quả và một số loại cây hoa màu. Ở Tiên Mỹ, không có những cánh đồng lớn, bà con nông dân chủ yếu khai hoang thành những thửa, khoảnh nhỏ; ở địa hình dốc thường theo kiểu ruộng bậc, chủ yếu là đất sét, có nơi đất pha cát nên độ phì nhiêu hạn chế, làm ảnh hưởng đến năng suất cây lúa.
Núi đồi chiếm diện tích lớn, hệ động thực vật tương đối phong phú, có một số loại cây dược liệu quý như chè dây, sa nhân… Hệ động vật tương đối đa dạng, trong rừng có các loài động vật như heo rừng, rắn, trăn, kỳ đà, chồn, gà rừng…
Tiên Mỹ nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nắng nóng kéo dài và mưa tập trung theo mùa. Nhiệt độ trung bình hằng năm là 250C, lượng mưa phân bố không đồng đều, bình quân trong năm là 2.200mm - 2.600mm, lượng bốc hơi trung bình từ 800mm - 1000mm, lượng bốc hơi mạnh nhất tập trung vào tháng 5 và tháng 6 là hai tháng thường có nhiệt độ cao nhất trong năm; độ ẩm trung bình hằng năm là 84,4%. Trên địa bàn xã Tiên Mỹ có hai hướng gió chính là gió mùa đông bắc hoạt động từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau và gió mùa tây nam hoạt động từ tháng 7 đến tháng 8 hằng năm.
Trên địa bàn xã có hai con suối chính là suối Bình An và suối Cò Vày. Suối Bình An[1] bắt nguồn từ Hồ Cái xã Tiên Phong chảy theo hướng nam đổ ra sông Tiên, đoạn chảy qua địa bàn xã Tiên Mỹ dài khoảng 3km; lưu lượng nước không đáng kể, nhất là vào mùa khô. Suối Cò Vày[2] bắt nguồn từ thôn 1 xã Tiên Phong chảy theo hướng tây đổ ra sông Tiên trên địa bàn xã Tiên Châu, đoạn chảy qua xã Tiên Mỹ dài khoảng 4km. Suối Cò Vày chảy qua vùng đồi núi, cách trở với khu dân cư và đất sản xuất nông nghiệp nên lượng nước ở đây chưa được khai thác, sử dụng. Nguồn nước chính phục vụ tưới tiêu lấy từ đập Chủ Bò, đây là công trình thủy lợi được xây dựng sau giải phóng. Ngoài ra trên địa bàn còn có 6 đập khác được xây dựng kiên cố và 22 đập bổi. Nguồn nước ngầm trong lòng đất Tiên Mỹ tương đối dồi dào, nằm ở độ sâu khoảng 5m đến 10m, đây là nguồn nước sạch, chứa một số khoáng chất, có lợi cho sức khỏe.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hệ thống giao thông trên địa bàn xã kém phát triển, chỉ có trục đường chính đi qua địa bàn xã và dẫn lên huyện lỵ; đường liên thôn chủ yếu là những lối đi nhỏ. Sau ngày giải phóng, với quan điểm phát triển giao thông đi trước một bước, hệ thống giao thông trên địa bàn xã Tiên Mỹ có bước phát triển đáng kể. Tuyến đường chính từ xã Tiên Phong đi qua Tiên Mỹ lên thị trấn Tiên Kỳ được mở rộng.
Về lịch sử hành chính, từ xa xưa địa bàn xã Tiên Mỹ ngày nay thuộc đất Việt Thường, trong thời kỳ thống trị của phương Bắc, có thời gian nhà Tần đặt là Tượng quận. Các thời kỳ thống trị của nhà Tây Hán, Tề, Lương thì Tiên Mỹ thuộc đạo Trà Nô, huyện Lư Dung, quận Nhật Nam. Sau đó đến thời nhà Tùy huyện Lư Dung được đổi thành huyện Tân Dung thuộc quận Nông Châu, sau là quận Hải Âm.
Đời nhà Trần, nhà Hồ, Tiên Mỹ thuộc Châu Hoa, Thăng Hoa lộ, An Phủ sứ, năm 1404 đổi thành Thăng Hoa phủ, rồi Hóa Châu trấn năm 1428. Từ năm 1471 đến đầu thế kỷ XX, phần đất của xã Tiên Mỹ ngày nay thuộc huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa, đạo Thừa tuyên Quảng Nam, năm 1602 đổi thành Quảng Nam trấn, năm 1629 đổi thành Quảng Nam dinh.
Năm 1814, huyện Hà Đông thuộc Nam Ngãi tổng trấn. Thời kỳ vua Thành Thái từ năm 1889 đến năm 1906, huyện Hà Đông thuộc phủ Thăng Bình, lúc này, xã Tiên Mỹ thuộc tổng Tiên Giang Thượng và tổng Tiên Quý. Năm 1906, huyện Hà Đông được nâng lên thành phủ Hà Đông, sau đó đổi tên thành phủ Tam Kỳ thuộc tỉnh Quảng Nam. Năm 1920, thực dân Pháp cắt một số xã phía tây của phủ Tam Kỳ sát nhập với một số xã vùng thấp của huyện Trà My thành lập huyện Tiên Phước. Lúc này, huyện Tiên Phước có 4 tổng với 86 xã, địa bàn xã Tiên Mỹ vẫn thuộc tổng Tiên Giang Thượng và Tiên Quý (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam).
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, tổng Tiên Giang Thượng được đổi tên thành tổng Tiên Giang; lúc này, xã Trà Lai và Mỹ Thượng thuộc tổng Tiên Giang, xã Tiên Phú Đông và Tiên Phú Tây thuộc tổng Tiên Quý. Trong đó, xã Trà Lai tương đương với địa bàn thôn 7, thôn 8 và một phần thôn 2 và thôn 6 ngày nay, xã Mỹ Thượng tương đương với thôn 5, thôn 9 và một phần thôn 6, xã Tiên Phú Đông tương đương với thôn 3, thôn 4; xã Tiên Phú Tây tương đương với thôn 1 và một phần của thôn 2.
Đầu năm 1946, chính quyền cách mạng quyết định giảm cấp chính quyền tổng và tiến hành hợp xã lần thứ nhất. Tại huyện Tiên Phước chính quyền sát nhập 86 xã thành 51 xã, trong đó 4 xã Trà Lai, Mỹ Thượng, Tiên Phú Đông, Tiên Phú Tây sát nhập lại thành xã Tân Giang.
Năm 1948, theo chủ trương của Trung ương, ta thực hiện hợp xã lần thứ hai, từ 51 xã, huyện Tiên Phước sát nhập còn 14 xã. Thời điểm này, địa giới hành chính xã Tân Giang không thay đổi, chỉ đổi tên thành xã Tiên Mỹ. Toàn xã Tiên Mỹ được chia làm 14 chi, gọi tên theo thứ tự từ 1 đến 14. Chi 1, 2, 3 tương ứng với thôn 1 hiện nay; chi 4 - thôn 2; chi 5 - thôn 8; chi 6, chi 10 - thôn 5; chi 7, 8 - thôn 7; chi 9 - thôn 6; chi 11 - thôn 9; chi 12 - thôn 3; chi 13, 14 - thôn 4.
Ngày 24 tháng 6 năm 1958, chính quyền Sài Gòn ra nghị định điều chỉnh địa giới hành chính. Tại huyện Tiên Phước, chúng chia xã Tiên Lập thành hai xã Phước Hiệp và Phước Lộc, đổi Tiên Hiệp thành Phước Lâm, Tiên Châu thành Phước Hòa, Tiên Lãnh và Tiên Ngọc thành Phước Châu, các xã còn lại chúng dùng chữ “Phước” làm chữ đầu của tên gọi như Tiên Kỳ thành Phước Kỳ, Tiên Sơn thành Phước Sơn, Tiên Mỹ thành Phước Mỹ… Xã Phước Mỹ chia thành 4 thôn gọi thứ tự từ thôn 1 đến thôn 4. Tháng 7 năm 1962, chính quyền Sài Gòn chia tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín, xã Phước Mỹ, quận Tiên Phước thuộc địa phận tỉnh Quảng Tín.
Về phía ta, thực hiện chủ trương của Khu ủy 5, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được tách thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà. Để thuận tiện trong lãnh đạo, chỉ đạo tác chiến, ta thống nhất gọi các xã theo tên gọi của địch, xã Phước Mỹ, huyện Tiên Phước thuộc tỉnh Quảng Nam.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ta thống nhất gọi tên các xã theo tên gọi trong kháng chiến chống Pháp, xã Phước Mỹ được lấy lại tên là xã Tiên Mỹ, là 1 trong 15 đơn vị hành chính của huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ngày 1 tháng 1 năm 1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được tách thành hai đơn vị hành chính là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước thuộc tỉnh Quảng Nam. Hiện nay, xã Tiên Mỹ có 9 thôn, gọi thứ tự từ thôn 1 đến thôn 9.
Năm 1402, Hồ Quý Ly lập hai châu Thăng Hoa và Tư Nghĩa, thời kỳ này, người Việt mới bắt đầu di cư vào sinh sống, thành lập làng xã trên phần đất của hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay. Nguôn dân di cư này được bổ sung đông đảo sau sư kiện vua Lê Thánh Tông thành lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam (1471). Cơ cấu, thành phần di dân, ngoài những người dân nghèo di cư với mong ước đến vùng đất mới có cuộc sống tốt đẹp hơn thì còn có các thành phần khác, trong đó có cả phạm nhân bị tội lưu đày cũng được quân đội hóa thành lực lượng chiến đấu và sản xuất. Sách Lịch triều Hiến chương loại chí đã ghi lại sự kiện này như sau: "Tháng 4 năm Hồng Đức thứ 5 (1474) có sắc chỉ rằng: Tù xử tội lưu, đi cận châu thì sung về quân Thăng Hoa, đi ngoại châu thì sung về quân Tư Nghĩa, đi viễn châu thì sung về quân Hoài Nhơn, tội nhân được tha chết cũng sung về quân Hoài Nhơn"[3].
Như vậy, lớp cư dân người Việt đầu tiên có mặt, sinh sống trên đất Tiên Phước nói chung, các làng cũ của xã Tiên Mỹ nói riêng là vào khoảng cuối thế kỷ XV, đó là cộng đồng nông dân nghèo, binh lính và phạm nhân trọng tội được ân xá cho lưu đày và được quân đội hóa. Các làng cũ của Tiên Mỹ cũng được hình thành vào khoảng thời gian này, tuy nhiên, buổi ban đầu cư dân vẫn còn rất thưa thớt.
Đến thời các chúa Nguyễn có nhiều chính sách tích cực trong việc khuyên khích nhân dân di cư vào phía Nam. Tháng 11 năm 1558, Nguyễn Hoàng được vua Lê cử vào trấn giữ Thuận Hóa. Năm 1570, ông được nhà vua giao kiêm quản đất Quảng Nam (bao gồm đất của các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định ngày nay). Từ đây, Nguyễn Hoàng đã ban hành nhiều chính sách để khuyến khích người Việt (chủ yếu là dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) di cư vào vùng đất Quảng Nam. Trong hơn nửa thế kỷ Trịnh - Nguyễn phân tranh, nhiều tù binh và dân Đàng Ngoài được các chúa Nguyễn đưa vào đây khai phá, định cư ở vùng đất mới; ngoài ra còn có nhiều nhóm di dân lẻ tẻ vì những mục đích khác nhau như vì kế mưu sinh hay lánh nạn chính trị. Theo gia phả họ Võ, vào năm 1602 “Ngài Võ Phi Thừa được vào làm cai tổng Tiên Giang. Ngài Võ Sĩ Nam làm cai thuộc làng Tiên Phú. Năm 1616, ngài Võ Phi Thừa được chúa sãi triệu về kinh, ngài Võ Sĩ Nam thay làm cai tổng”. Như vậy, đến năm 1602 tên gọi làng Tiên Phú đã xuất hiện. Ngoài các bộ phận dân cư có nguồn gốc như trên, còn có một bộ phận người Việt khác vốn đã di dân từ trước vào Thuận Hóa và phía bắc tỉnh Quảng Nam cũng vào sinh cơ, lập nghiệp trên vùng đất Tiên Mỹ.
Năm 1648, sau khi đánh thắng quân Trịnh bắt hơn 3 vạn tù binh, chúa Nguyễn Phúc Lan chủ trương phân số tù binh này về ở nhiều nơi, cứ 50 người lập thành một ấp, được cấp lương ăn nửa năm để khai thác các nguồn lợi sinh sống trong thời gian đầu. Chính vì vậy, sau năm 1648, ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên khoảng 600 làng mới của người Việt được ra đời, trong đó có thêm một số làng của xã Tiên Mỹ ngày nay.
Theo gia phả của một số tộc họ và tích xưa lưu truyền lại trong dân gian, thì các dòng họ người Việt di cư đến sinh cơ lập nghiệp sớm nhất trên vùng đất xã Tiên Mỹ ngày nay là họ Võ, Đoàn, Phạm, Trần, Nguyễn, Ngô... , đến nay đã có trên 20 dòng họ sinh sống trên địa bàn. Dân số của xã Tiên Mỹ thời điểm diễn ra Cách mạng tháng Tám năm 1945 có khoảng 2.500 người. Tháng 3 năm 1975, xã Tiên Mỹ có 815 hộ gia đình, khoảng 4.500 nhân khẩu, có 3.600 người ở tại chỗ, trong đó thanh niên từ 15 đến 25 tuổi có 562 người: 270 nam và 292 nữ. Theo số liệu điều tra năm 2014, Tiên Mỹ có 1.460 hộ với 5.476 nhân khẩu, mật độ phân bố dân cư là 308 người/km2.
Về đời sống kinh tế, nhân dân xã Tiên Mỹ chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp. Trước đây, lúa nước là cây trồng chính, được bà con nông dân canh tác trên hai loại ruộng là ruộng rộc và ruộng cạn. Ruộng rộc canh tác được hai vụ, ruộng cạn được một vụ. Thời kỳ trước, do đất đai kém màu mỡ, nguồn nước tưới tiêu khó khăn, phương thức canh tác lạc hậu nên năng suất không cao; những năm mưa thuận, gió hòa, được mùa thì một sào đạt khoảng 20 ang[4]. Ngoài trồng lúa nhân dân Tiên Mỹ còn trồng một số loại hoa màu khác như: ngô, các loại đậu, các loại khoai và gừng, nghệ…
Nghề chăn nuôi, trước đây nhân dân Tiên Mỹ chủ yếu nuôi trâu, bò làm sức kéo phục vụ nông nghiệp, nuôi các loại gia cầm để tự túc thực phẩm trong gia đình. Trước đây, phương thức chăn nuôi lạc hậu, chủ yếu là tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có nên năng suất thấp. Những năm gần đây, chăn nuôi chuyển dịch sang hình thức gia trại với quy mô nhỏ và vừa, đa dạng con vật nuôi, chú trọng lựa chọn giống, đầu tư công chăm sóc nên năng suất tăng lên, góp phần đưa lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhân dân.
Điều kiện tự nhiên xã Tiên Mỹ có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế vườn, với các loại cây có giá trị kinh tế cao như quế, tiêu, lòn bon, thanh trà… Đây là những cây đặc sản của xã Tiên Mỹ nói riêng và huyện Tiên Phước nói chung. Trong đó giống tiêu trồng ở Tiên Mỹ có vỏ mỏng và hương vị rất riêng, thơm ngon.
Tiểu thủ công nghiệp, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, trên địa bàn xã có hai lò rèn ở thôn Liên Vĩnh và thôn Dốc Rơm, chủ yếu rèn nông cụ lao động và các loại vật dụng trong gia đình. Riêng nghề thủ công mây, tre đan các loại vật dụng sinh hoạt gia đình thì nhà nào cũng có. Trước đây, một số hộ dân cũng làm cối xay lúa, đẽo cày, làm chổi đót,… Về sau, trên địa bàn xã còn có các cơ sở cưa, xẻ gỗ, xay bột quế, xắt quế chi, xay xát gạo…
Về công thương nghiệp, thời Pháp thuộc, trên địa bàn xã có nhà máy chế biến chè, đến năm 1919, nhân dân Tiên Phú Tây kiện công ty Fiard chiếm đất nên xưởng chè này bị phá bỏ. Trước đây, sau dịp Tết Nguyên đán, một số hộ làm nghề kinh doanh cũng thu mua quế và bán buôn ra Hội An. Từ trước đến nay trên địa bàn xã Tiên Mỹ chưa có chợ, bà con nhân dân thường đi chợ ở Tiên Kỳ hoặc trao đổi, mua bán qua thương lái đến tận các thôn xóm.
Về thành phần dân tộc ở Tiên Mỹ chủ yếu là người Kinh (chiếm 99,8% dân số), ngoài ra có một số hộ mang họ Trần và họ La thuộc dân tộc Hoa, di cư vào Tiên Mỹ từ nhiều đời trước. Tiên Mỹ cũng như nhiều xã khác ở huyện Tiên Phước, thành phần nhân dân chủ yếu là dân chính cư, chỉ một ít hộ là di cư đến sinh cơ lập nghiệp ở thời kỳ sau. Trong thời phong kiến, bộ phận đến định cư sinh sống sau thường được gọi là dân ngụ cư, dân ngụ cư không được quyền tham gia chính quyền, trong hội họp ý kiến của họ không được coi trọng. Ngày nay, với bản chất nhân văn, tiến bộ của hệ tư tưởng mới, sự phân biệt thành phần dân chính cư, ngụ cư đã được xóa bỏ. Toàn thể nhân dân Tiên Mỹ đều học tập, phấn đấu, góp sức xây dựng gia đình, quê hương giàu mạnh, thịnh vượng.
Trong thời phong kiến, đứng đầu, cai quản mọi việc trong xã có Hội đồng kỳ mục gồm 5 người: Lý trưởng, Phó lý, Hương kiểm, Hương mục, Hương bộ. Trong xã hội Tiên Mỹ phân thành hai bộ phận rõ rệt, thiểu số là giai cấp địa chủ, phong kiến, còn đa số là tầng lớp nông dân nghèo. Một số địa chủ lớn như: ông Phó Ưng địa chủ của Tiên Phú Tây có khoảng 44 mẫu ruộng; ông Phức địa chủ của Tiên Phú Đông có khoảng 33 mẫu ruộng; ông Thái địa chủ của Trà Lai có khoảng 40 mẫu ruộng. Một số bà con nông dân ở Tiên Mỹ cũng có được những thửa ruộng riêng, nguồn gốc tự khai hoang hoặc tổ tiên di chúc lại. Thời phong kiến, ở Tiên Mỹ cũng có một diện tích nhất định làm ruộng công, sản lượng làm ra trên loại ruộng này được sử dụng vào việc chung của cộng đồng làng xã.
Thời phong kiến, nông dân Tiên Mỹ phải đóng góp nhiều loại thuế, thân phận của họ bị ràng buộc bởi nhiều phong tục, tập quán, lễ nghi lạc hậu. Ngoài các khoản thuế, nhân dân còn tự nguyện góp một loại quỹ để sử dụng vào việc chung, khoản đóng góp bằng tiền hoặc hiện vật và số lượng không quy định. Tại một văn bản chép ngày 16 tháng 5 năm Duy Tân thứ 6 (tức là năm 1912) còn lưu lại ở gia đình ông Võ Hồng Đào (thôn 1) có ghi: “Người trong xã từ trước đến nay hằng năm đều quyên góp tiền vào tài sản chung đến những người như Hương Lý cũng như các chức quan đều phải thực hiện như vậy. Có ông Võ Văn Hào góp số tiền là một trăm sáu mươi quan. Nay xã viết giấy chứng nhận về việc đóng góp của ông và khuyến khích những người trong xã theo thế mà thực hiện”.
Về giáo dục, trong thời kỳ phong kiến nhân dân các xã Tiên Phú Đông, Tiên Phú Tây có những người học rất giỏi và đỗ đạt cao. Đời vua Từ Đức tộc họ Phạm có ông Tú Tuyên học giỏi thi đỗ Tú tài. Đời vua Khải Định tộc họ Trần có ông Trần Huấn Mai (Cửu Trần) (ở thôn 1 ngày nay) học rất giỏi nhưng do hoàn cảnh xã hội nên con đường khoa cử lận đận. Những thời kỳ sau Tiên Mỹ còn có một số người tốt chữ, sáng dạ như ông Nguyễn Long (thôn 9) tốt nghiệp bậc Thành chung và được cử ra làm Thông phán ở tòa sứ Hội An. Trong kháng chiến chống Pháp, huyện thành lập Trường Trung học Tiên Phước (hệ 9 năm), dạy đến lớp 7, lấy đình Đông và đình Tây (hay còn gọi là miếu Tây nay thuộc thôn 1, Tiên Mỹ) làm nơi dạy học. Thầy Đỗ Tấn Xuân làm hiệu trưởng đầu tiên, tiếp sau là thầy Thái Văn Tình, tham gia giảng dạy còn có các thầy Đàm Thép, Lê Văn Lương... Thời kỳ này, có một số người học giỏi như ông Võ Kim Tương (nay thuộc thôn 5) học trung học ở Huế, ông Ngô Hoành (thôn 1) học đệ nhị cấp, sau này làm nghề dạy học, Phạm Huy Điện học đệ nhị cấp, Phạm Thị Xăng học đệ nhất cấp. Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, noi gương và phát huy truyền thống hiếu học của cha ông đi trước, nhiều con em Tiên Mỹ đã khắc phục hoàn cảnh khó khăn, vươn lên học tập rất giỏi và thành đạt trên nhiều lĩnh vực, có đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng quê hương giàu mạnh.
Về đời sống văn hóa, tín ngưỡng, nhân dân Tiên Mỹ có tín ngưỡng đa thần, dân gian luôn quan niệm ở bất cứ đâu, bất cứ sự vật, hiện tượng gì cũng có một vị thần cai quản, phụ trách; giữ vị trí chủ đạo trong tính ngưỡng đa thần trong dân gian là phong tục, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Hầu hết các gia đình đều có bàn thờ được bài trí ở nơi trang trọng nhất để thờ cúng tổ tiên. Tùy theo gia cảnh của từng gia chủ mà lễ vật, bài trí trên bàn thờ có khác nhau, nhưng đặc điểm chung là đều có bức ảnh chân dung của người quá cố, bình hương, lọ hoa… Những ngày lễ, tết, ngày giỗ của ông bà, tổ tiên con cháu thường tập trung đông đủ, thắp nén nhang để tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục, thể hiện lòng kính trọng và sự tiếc thương người đã khuất. Cùng với bàn thờ gia tiên, trong cộng đồng tộc họ ở Tiên Mỹ thường có nhà thờ tộc, đó là nơi thờ cúng tổ tiên chung của con cháu trong dòng tộc.
Hòa trong dòng chảy chung của nền văn hóa dân tộc, vào ngày rằm các tháng 1, tháng 7, tháng 8, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch... Nhân dân Tiên Mỹ tổ chức lễ cúng bái. Hằng năm, trong các họ tộc cũng có lễ Chạp mã, đến ngày theo quy định của mỗi tộc họ, con cháu các nơi tụ họp về đông đủ, chung tay xây đắp lại mồ mã của tổ tiên. Đây là dịp có nhiều ý nghĩa, góp phần giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhắc nhở con cháu giữ gìn gia đạo, đồng thời cũng giúp bà con họ hàng xa gần có dịp được trao đổi thông tin, kinh nghiệm làm ăn và thêm gắn kết với nhau hơn.
Tết Nguyên đán là dịp đặc biệt, ngày nay, đây là dịp để cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tổ chức gặp mặt biểu dương con em các thế hệ có đóng góp cho sự phát triển của quê hương và học sinh, sinh viên học giỏi, thành đạt, qua đó chia sẽ thông tin về tình hình kinh tế, xã hội của địa phương, gửi gắm niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã nhà vào sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu của con em xã nhà đang học tập, công tác tại địa phương hay ở trên mọi miền Tổ quốc.
Bên cạnh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, trải qua quá trình sinh sống, một bộ phận nhân dân Tiên Mỹ cũng theo một số tôn giáo như: Phật giáo, Công giáo, Tin lành. Hòa trong dòng chảy chung của dân tộc, đồng bào có đạo trên địa bàn xã Tiên Mỹ hầu hết đều nhận thức sâu sắc phần đạo, phần đời, chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thể hiện phương châm “sống tốt đời đẹp đạo”, “sống phúc âm trong lòng dân tộc”.
Trước đây, nhân dân Tiên Mỹ thường tổ chức lễ cúng cơm mới. Đây là hình thức lễ nghi được tiến hành sau mỗi mùa vụ; thông thường gia chủ sử dụng loại gạo mới trắng thơm ngon nhất để nấu cơm, thêm muối mè, thực phẩm đơn giản để cúng bái lên ông bà tổ tiên, các bậc thần linh. Nếu vụ mùa vừa thu hoạch đạt năng suất cao thì gia chủ tạ ơn ông bà tổ tiên, các vị thần linh đã phù hộ độ trì để mùa màng tốt tươi, còn nếu mất mùa thì gia chủ xin các bậc bề trên phù hộ cho mùa vụ tiếp theo sẽ được mưa thuận gió hòa, mùa màng đạt năng suất cao, cuộc sống sung túc hơn. Thực tế cho thấy, dù cuộc sống cơ cực, quanh năm cả nhà phải ăn cơm độn sắn, độn khoai nhưng ngày cúng cơm mới cả nhà được ăn hoàn toàn cơm trắng no nê, sung túc.
Khi núi non còn rậm rạp, thú dữ thường xuyên xuất hiện, đe dọa đến tính mạng, nhân dân Tiên Mỹ tổ chức hội Vây cọp. Hội Vây cọp thường được tổ chức vào mùa Xuân, thời điểm cụ thể tùy vào lúc cọp xuất hiện, thời gian tổ chức dài hay ngắn tùy thuộc vào kết quả của cuộc vây bắt. Địa điểm không xác định, nơi nào có cọp xuất hiện thì tổ chức ở đó. Trong hội Vây cọp, thường có sự hiện diện của người đứng đầu chính quyền để chỉ đạo việc vây bắt cọp.
Khi người dân phát hiện được địa điểm cọp xuất hiện, họ huy động lực lượng đốt lửa, nổi kèn trống mõ, đốt pháo, chặt cây, rào dậu, siết vòng vây. Khi vòng vây được thu hẹp, cọp đã thấm mệt sẽ lao vào một cái thòng lọng đã được bố trí sẵn, khi đó những tay giáo mác cự phách sẽ lao vào đâm chết con thú. Cọp sau khi bị giết, được chế biến thành những món ngon, tế lễ và ăn mừng thắng lợi, cầu cho một năm an lành, không bị thú dữ đe dọa.
Theo các cụ cao niên kể lại thì trước đây ở các làng đều tổ chức cúng tiền hiền. Trong ngày lễ này, Ban Tổ chức chọn người có uy tín nhất trong làng làm chủ lễ. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ở Tiên Mỹ vẫn duy trì lễ rước sắc, nhằm thể hiện sự tôn vinh, tri ân của hậu thế đối với người có công trạng với làng, với nước. Rước Sắc có phần lễ và phần hội, thường được tổ chức trong 3 ngày, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Nội dung phần lễ tập trung vào việc đón rước Sắc từ nhà Thủ Sắc ra đình làng, và sau khi lễ kết thúc, Sắc được đưa về lại nhà ông Thủ Sắc bảo quản. Khi bắt đầu lễ rước, ông Thủ Sắc mặc chiếc áo màu trầm bước lên hương án (nơi để sắc phong), làm nhạc lễ 3 hồi, sau đó mang hòm đựng Sắc ra Long Đình (kiệu hoa, bên trong có hương án, hoa quả, hương trầm và bệ đặt Sắc phong). Những người được cử đi tham gia lễ rước phải ăn mặc chỉnh tề, cờ kiệu được sắp xếp tôn nghiêm với một thái độ kính trọng. Đi đầu đám rước là những người cầm cờ, với 2 lá cờ xéo và 1 lá cờ vuông, tiếp theo là 5 lá cờ ngũ hành. Sau những người cầm cờ là những người cầm gươm, giáo thể hiện uy nghi đối với Sắc phong của nhà Vua. Những người cầm cờ, gươm, giáo và khiêng Long Đình đều mặc quần áo kẹp nẹp, đầu đội nón gõ. Tiếp đến là đại cổ (chiêng, trống chầu), tiểu cổ (kẻng, trống cáng) và ban nhạc bát âm, sau ban nhạc là Long Đình. Đi trước Long Đình là hai người cầm trống khẩu, xung quanh Long Đình có lọng che rất trang trọng. Đi sau Long Đình là ông Thủ Sắc và những người có uy tín trong làng. Nhân dân đứng hai bên đường, tôn nghiêm, đưa mắt theo dõi và tháp tùng sau cùng. Khi Sắc đến sân đình, ông Thủ Sắc bê hòm đặt vào gian chính, nơi thờ thần. Việc hành lễ do ông chánh bái và phó chánh bái cùng với Ban Tư lễ và Ban Tư nhạc thực hiện. Lễ vật gồm thịt heo và các loại hương hoa trà tửu. Phần hội thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào các hoạt động hát bài chòi, hát nhân ngãi, hát bạn cấy, hát đối đáp, hát giã gạo và các trò chơi dân gian khác.
Tục cưới xin trước đây phải trải qua nhiều nghi lễ phức tạp, việc thách cưới cũng rất nặng nề; người con trai đi cưới vợ phải sắm đủ tiền, vàng theo yêu cầu của nhà gái; trong lễ cưới phải thuê phu gánh lễ vật, phu che lọng cho ông (bà) mai đi, phu cáng cô dâu[5]. Nhiều đám cưới tổ chức rất linh đình, kéo dài nhiều ngày, tốn kém. Từ khi có chủ trương về xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư và thực hành tiết kiệm trong cưới hỏi, tang ma; các nghi lễ được tổ chức đơn giản, thiết thực hơn.
Trong việc ma chay, trước đây người dân địa phương cũng rất mê tín. Khi có người chết, họ chọn ngày giờ rồi mới phát tang, có khi người chết để một thời gian mới được an táng. Điều đó vừa làm cho gia chủ tốn kém tiền của, vừa không hợp vệ sinh. Ngày nay, những quan niệm ấy không còn tồn tại, tang lễ được tổ chức nhanh, gọn, tiết kiệm.
Về các công trình kiến trúc cổ, trước đây trên địa bàn xã Tiên Mỹ có các ngôi đình như đình Đông, đình Tây, đình Mỹ Thượng. Đây là những công trình xây cất từ hàng trăm năm trước, vật liệu chủ yếu làm bằng gỗ, có chạm khắc khá tinh xảo, lợp ngói âm dương. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, ngày nay, trên địa bàn xã chỉ còn lại một phần của đình Tây.
Nhân dân Tiên Mỹ rất ưa thích các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sáng tác thơ văn, câu đố, các thể loại truyện… trước đây trong các dịp lễ, tết hoặc khi lao động sản xuất nam nữ thanh niên thường tổ chức hát hò khoan, hát đối đáp, hát nhân ngãi…Sân khấu rất đơn giản có thể là sân đình hoặc những thửa ruộng cạn, tuy nhiên, các hoạt động văn hóa, văn nghệ thường thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Thời gian gần đây, hằng năm Hội Người cao tuổi xã đều phát hành đặc san nội bộ; đây có thể xem là diễn đàn trao đổi những sáng tác mới không chỉ của các bà, các cụ cao niên mà tác giả bao gồm rất nhiều lứa tuổi. Văn hóa, văn nghệ, các sáng tác văn học, nghệ thuật là bức tranh sinh động phản ánh đời sống, tâm tư, tình cảm, tính cách của nhân dân Tiên Mỹ, thể hiện tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước.